Các trường đại học Kiến trúc đã đồng nhất khái niệm thiết kế Kiến trúc với thiết kế Môi trường, hoặc trong các khái niệm về Kiến trúc luôn luôn có mặt các khái niệm chung liên quan đến Môi trường. Vậy, chúng ta đang sống trong một môi trường như thế nào? Môi trường đó đang đặt ra những vấn đề gì cần phải giải quyết? .
Những bài học phát triển đô thị và tăng trưởng kinh tế tại các nước phát triển trong những thập kỷ qua đã chỉ rõ những vấn đề về môi trường mà các thế hệ chúng ta ngày nay đang phải đối mặt như: hiệu ứng nhà kính, tầng ô-zôn bị xâm hại, lượng phát khí thải quá tải với sức chịu đựng của bầu khí quyển, hiện tượng sa mạc hoá ở nhiều nơi, hiệu ứng băng tan chảy do sự nóng lên của địa cầu… rất nhiều Hội nghị Quốc tế đã thảo luận và tranh cãi về mâu thuẫn giữa môi trường sống bền vững và sự phát triển của nhân loại. Giấc mơ về một không gian sống hạnh phúc đang thay đổi.
School of Art, Design and Media, NTU Singapore – Một trong 10 công trình xanh năm 2008 – theo Inhabitat.com
Trước tình hình đó, nhiều quốc gia đã xây dựng và ứng dụng chiến lược phát triển đô thị bền vững, đảm bảo môi trường xanh với những hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể như :
– Phương pháp đánh giá của BREEAM do Tổ chức Nghiên cứu Xây dựng Anh (Building Research Establishment – BRE) đưa ra sớm nhất vào năm 1990 với 9 tiêu chí chính.
– Thách thức kiến trúc xanh (Green Building Challenge) là một phương pháp đánh giá do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Canada (Natural Resources Canada) khởi xướng, tính đến tháng 10/2000 có 19 nước tham gia soạn thảo với 8 hệ tiêu chí dùng để đánh giá tính năng môi trường của kiến trúc.
– Uỷ ban Kiến trúc Xanh Mỹ (USGBC) năm 1995 đề ra “Lãnh đạo trong thiết kế năng lượng và môi trường” (Leadership in Energy & Environmental Design – LEED), đến tháng 3/2000 thì đổi mới và công bố văn bản LEED 2.0 – Bộ tiêu chuẩn đánh giá do Uỷ ban Kiến trúc Xanh Mỹ đề ra để đáp ứng yêu cầu đánh giá kiến trúc xanh của thị trường xây dựng Mỹ.
Các hệ thống tiêu chí đánh giá về Kiến trúc xanh của những quốc gia đều có những nội dung chung, cơ bản là:
– Mục tiêu chung của các hệ thống đánh giá kiến trúc xanh;
– Xây dựng môi trường hướng đến sự phát triển bền vững: Trong đó sản phẩm kiến trúc được xem là một phần hữu cơ cấu thành môi trường chung, từ đó dẫn đến những thay đổi nhận thức trong hoạt động Kiến trúc – Quy hoạch, nhằm hướng đến một môi trường có chất lượng sống cao hơn của cả cộng đồng mà không tách rời khỏi môi trường tự nhiên.
– Đối tượng hướng đến của hệ thống đánh giá kiến trúc xanh : Kiến trúc xanh không chỉ là hệ thống tiêu chí hướng đến giới chuyên môn Kiến trúc và quy hoạch đô thị mà còn hướng đến cộng đồng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các nhà hoạt động quản lý xã hội với những cơ chế chính sách tổng thể, cũng như hệ thống giải pháp được thể chế hoá nhằm bảo vệ môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, nâng cao nhận thức cộng đồng là một điểm trọng tâm của Kiến trúc xanh với việc công khai hoá hệ thống tiêu chí và sự tham gia của cộng đồng dân cư.
Kiến trúc Xanh với hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể của từng quốc gia luôn quan tâm đến tác động môi trường của những công trình kiến trúc nói riêng, và của tổng thể đô thị nói chung với những tiêu chí cụ thể như:
– Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: hướng đến những giải pháp thiết kế làm thay đổi nhận thức cộng đồng và những thói quen trong đời sống xã hội, thông qua các giải pháp cụ thể được sử dụng trong các đồ án kiến trúc và quy hoạch đô thị.
– Ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng sạch có nguồn gốc tự nhiên như tận dụng sức gió, năng lượng mặt trời … nhằm hướng đến tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tránh phát thải và khống chế được mức độ phát thải CO2, gây ra hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng xấu đến môi trường, hạn chế và khống chế nguồn ô nhiễm không khí ra môi trường tự nhiên.
– Sử dụng nguyên liệu và vật liệu xây dựng có nguồn gốc tự nhiên, có vòng đời tuần hoàn để đảm bảo công trình kiến trúc có tính bền vững và khả năng tái chế, mà không gây ra những tác hại đến môi trường sống.
– Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên nước: tránh những tiêu hao lãng phí và rò rỉ, nâng cao khả năng tái sử dụng nước, tránh những tác động làm ô nhiễm nguồn nước tự nhiên, làm thay đổi hệ thống giải pháp kỹ thuật ứng dụng trong các đồ án quy hoạch đô thị cũng như các công trình kiến trúc.
– Tăng cường cây xanh trong đô thị và trong các công trình kiến trúc được xem là một giải pháp cụ thể, nhằm cải thiện môi trường sống và đưa con người trở về với thiên nhiên. Từ đó, các giải pháp quy hoạch cũng có sự thay đổi trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đất, có các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng đất cũng như ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường diện tích cây xanh trong môi trường sống.
– Chất lượng môi trường sống là một tiêu chí, đồng thời là mục tiêu trong kiến trúc xanh. Chất lượng môi trường trong và ngoài nhà được số hoá bởi nhiều thông số mang tính kỹ thuật để đưa đến cảm giác lành mạnh và dễ chịu cho người sử dụng. Môi trường sinh thái thực sự sẽ mang đến sự trong lành, nâng cao chất lượng sống và hiệu suất lao động của con người.
Tập hợp hệ thống các tiêu chí kiến trúc xanh sẽ đạt được nhờ các hệ thống giải pháp kiến trúc, quy hoạch, và hệ thống công nghệ được ứng dụng trong công trình kiến trúc và đô thị. Do điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, ở những môi trường tự nhiên khác nhau mà các nước xây dựng những hệ tiêu chí riêng, có tính thích ứng cao, nhằm giải quyết mối quan hệ xung đột giữa con người với môi trường trong quá trình phát triển. Cùng với hệ thống tiêu chí này, nhận thức về cái đẹp trong Kiến trúc đã có những sự biến đổi – hướng đến chiều sâu tư duy và chất lượng môi trường sống. Tuy vậy, cùng với sự biến đổi môi trường, hệ thống đánh giá Kiến trúc xanh luôn phát triển, có động tính cao nhằm thích ứng với sự đòi hỏi của môi trường.
Dự án Tòa nhà VietinBank được thiết kế bởi Foster&Partner theo xu hướng kiến trúc xanh
Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cũng đang nỗ lực xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá kiến trúc xanh phù hợp với điều kiện tự nhiên khí hậu nhiệt đới gió mùa và điều kiện kinh tế xã hội. Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam là một hướng đi tất yếu trong quá trình đô thị hoá tốc độ cao cùng với sự gia tăng không ngừng của việc tiêu thụ năng lượng cũng như phát thải khí CO2 hiện tượng ô nhiễm không khí, môi trường nước ở nhiều nơi đã lên đên mức báo động.
Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, sự tham gia của cộng đồng cùng với những nhà chuyên môn Kiến trúc – Quy hoạch đồng thời được đặt trong hành lang pháp lý của hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến và thống nhất. Phát triển kiến trúc xanh cũng đòi hỏi sự phát triển công nghệ trong nhiều lĩnh vực như sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị kỹ thuật trong kiến trúc …. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ cho sự phát triển của nền Kiến trúc hiện đại Việt Nam.
Phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam một lần nữa nhắc chúng ta nhớ về việc khai thác những bài học từ kiến trúc truyền thống của ông cha. Trong môi trường khí hậu nhiệt đới gió mùa, với không gian văn minh lúa nước, người Việt xưa luôn có triết lý ứng xử với môi trường thiên nhiên một cách hoà hợp, thông qua những giải pháp lựa chọn hướng nhà, thế đất xây dựng, sử dụng cây xanh và mặt nước, lựa chọn tầm thước của công trình, các giải pháp bao che linh hoạt kết hợp với việc sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống như một bộ lọc không khí với đời sống của con người cũng như công trình kiến trúc.
Phát triển kiến trúc xanh ở Việt Nam là một hướng đi tất yếu để tiến đến xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại đậm đà bản sắc – hội nhập vào dòng chảy chung của xu hướng phát triển kiến trúc bền vững trên toàn thế giới.
TS.KTS Lê Quân
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội